Bạn đang muốn khởi nghiệp hay đã khởi nghiệp nhưng tên công ty chưa được khách hàng nhớ hoặc nó không tạo được ấn tượng gì. Nếu bạn không tự tin trong việc đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp hay chính “sự nghiệp” kinh doanh của mình thì hãy yên tâm để các công ty tư vấn thương hiệu giúp sức.
Đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp
Tuy vậy, chi phí việc đặt tên thương hiệu thường cũng không ít, có khi còn cao hơn cả chi phí thiết kế logo. Bài viết này chỉ cho bạn cách thức để bạn có thể chủ động đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp của mình. Khi đặt tên thương hiệu bắt buộc bạn phải khảo sát thông tin doanh nghiệp mình. Bạn cần trả lời những câu hỏi:
- Điểm mạnh của doanh nghiệp là gì?
- Triết lý của doanh nghiệp là gì, cụ thể là mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp trong 10 năm tới là gì, doanh nghiệp bạn hoạt động nhờ động cơ nào thúc đẩy hay muốn đeo đuổi giá trị gì?
- Trong 10 giá trị mà bạn liệt kê ra thì hãy chọn ra từ 3 đến 5 giá trị quan trọng nhất; và những khách hàng mục tiêu mà bạn hướng tới.
Các tiêu chí khi đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp
Các tiêu chí mà bạn cần lưu ý như sau:
1. Thể hiện sứ mệnh
Tên thương hiệu tốt nhất là nên phù hợp với sứ mệnh của doanh nghiệp để thương hiệu trường tồn và thuận lợi trong công tác truyền thông.
2. Hướng tới khách hàng mục tiêu
– Thật tuyệt vời khi tên thương hiệu hướng tới khách hàng mục tiêu. Sẽ thật vô nghĩa nếu tên thương hiệu thành công trong việc thu hút được nhóm khách hàng khác nhưng lại thất bại trước nhóm khách hàng mục tiêu.
– Khi đặt tên thương hiệu, hãy xác định rõ thị trường mục tiêu (ví dụ: Việt Nam hay nước ngoài hoặc ở Việt Nam thì ở tỉnh, miền nào; cao cấp, trung hay giá rẻ, phổ thông; Giới tính: cho cả hai hay chỉ cho nam, hay nữ).
– Với phân khúc bình dân thì tên cần hướng tới sự đơn giản, dễ nhớ nhất có thể để khách hàng phổ thông, người lao động, nông thôn hay thành thị đều có thể đọc được. Ngược lại nếu thương hiệu của bạn định vị ở phân khúc cao cấp, hoặc một số ngành đặc thù như trang sức, thời trang cao cấp… thì tên cả âm cả chữ cần tạo được cảm giác sang trọng và cao cấp.
3. Khả năng sở hữu, bảo hộ
Một yếu tố rất quan trọng là tên thương hiệu phải bảo hộ được. Tên dù có đẹp như thế nào nhưng không bảo hộ được thì sẽ vô cùng rủi ro cho doanh nghiệp. Trường hợp bất đắc dĩ thì có thể cân nhắc phương án bảo hộ bằng hình ảnh (logo) thay vì bảo hộ tên.
4. Liên hệ chặt chẽ với nhãn hiệu, tên thương hiệu
Tên thương hiệu nên đặt trùng với tên thương mại. Việc này sẽ giúp bạn rất nhiều trong công tác truyền thông. Ví dụ, tên doanh nghiệp của bạn là Công ty TNHH ABC thì bạn cũng nên đặt tên thương hiệu cũng là ABC.
Như vậy, tên thương hiệu tốt nhất là được đặt ngay khi bạn khởi nghiệp, đặt tên dự án khởi nghiệp hoặc tên công ty khi bạn thành lập công ty.
5. Dễ đọc, dễ nhớ
– Bạn đừng đòi hỏi khách hàng nhớ tên thương hiệu của bạn nếu tên quá phức tạp, khó nhớ và khó đọc. Dù là tên nước ngoài hay tên tiếng Việt thì cách tốt nhất là viết thế nào thì đọc giống vậy. Tên có thể dài nhưng dễ đọc, dễ nhớ sẽ hiệu quả hơn tên ngắn nhưng khó nhớ. Tốt nhất là hai âm tiết. Những tên dài hay nhiều âm tiết hoặc khó phát âm sẽ luôn làm cho khách hàng cảm thấy bối rối khi đọc.
– Một lời khuyên quan trọng giúp tên thương hiệu dễ nhớ hơn là tên có chứa các nguyên âm o, a, i, e. Hãy nhìn vào tên các thương hiệu sau, bạn có thấy có dễ dàng truyền thông không: CEOVIC, TOCAR, RECA, INFA, CANON, SONY, SAMSUNG,… Các nguyên âm sẽ giúp mặt chữ đẹp hơn, tên cân đối, dễ đọc và dễ nhớ hơn.
6. Sự khác biệt
Tên thương hiệu cần thể hiện sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là đối thủ trực diện. Không nên đặt tên giống hoặc dễ gây lầm lẫn với tên của đối thủ, cũng không nên sử dụng những thành tố mà đối thủ đã sử dụng. Sự khác biệt tạo điểm nhất, giúp bạn truyền thông dễ dàng và hiệu quả.
7. Tránh phạm húy
Bạn hãy đảm bảo rằng tên thương hiệu mà bạn đặt chớ có phạm húy về: pháp lý, về thuần phong mỹ tục, phản cảm, về những điều cấm kỵ, nhạy cảm. Tên thương hiệu phạm húy sẽ gây phiền toái về pháp lý, khó khăn trong việc phát triển sau này.
8. Url
Nếu bạn biết rằng tên thương hiệu của bạn còn đảm bảo tên miền, thậm chí tên người dùng trên facebook, Gmail…. Ví dụ thương hiệu INFA còn khả năng tên miền đẹp như infa.vn,facebook.com/infa.vn, infa.vn@gmail.com. Nó sẽ giúp bạn truyền thông online hiệu quả.
Kết luận
- Đối với những doanh nghiệp nhỏ, một cái tên xuất sắc hội đủ các tiêu chí trên sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc tiết kiệm cả thời gian và chi phí marketing cho doanh nghiệp.
- Bạn cũng đừng bao giờ cho rằng một cái tên sẽ làm nên thương hiệu. Tên dù có tuyệt vời đến mấy cũng không thể nâng cánh cho một sản phẩm, dịch vụ tồi.
- Sản phẩm có trước thương hiệu có sau, vì vậy muốn có một thương hiệu mạnh, cần có tên thương hiệu dễ nhớ và khác biệt dựa trên nền tảng là sản phẩm tốt.